Những điều cần biết về ngành thiết kế nội thất

     Thiết kế nội thất được hiểu là cách lắp đặt, bố trí đồ đạc hay thiết bị trong căn nhà. Và bạn nghĩ, "ok, đơn giản mình cũng làm được", đúng là ai cũng có thể làm được, chúng tôi không phủ nhận điều này. Tuy nhiên, việc bố trí, lắp đặt ra sao cho công trình trở nên hài hòa, cân bằng, đồng đều nhịp điệu, và đặc biệt là nó phải mang phần điểm nhấn riêng và phù hợp với phong thủy... điều này không phải ai cũng làm được, vì thế, thị trường nảy sinh ra ngành thiết kế nội thất.
nhung-ieu-can-biet-ve-nganh-thiet-ke

I. Nghề thiết kế "khó" hay "dễ".

Hiện nay, ngành thiết kế nội thất đang được coi là một ngành hot và cần nhiều nhận lực. Công việc của người thiết kế là làm cho không gian của mỗi ngôi nhà, mỗi căn phòng mà họ tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chưa từng có và nó được tạo ra bởi sự sáng tạo tự do của nhà thiết kế.    
Theo khảo sát,  lương khởi điểm đối với sinh viên ngành thiết kế nội thất dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng, nhiều bạn có khả năng, giỏi ngoại ngữ có thể nhận được mức lương tại các công ty nước ngoài từ 700-900 USD/tháng, riêng đối với cấp quản lý trong ngành TKNT, lương có thể lên đến 2.500 USD/tháng.

Nhiều chuyên gia ngành xây dựng nhận định, tuy tình hình xây dựng đang chậm lại nhưng nhu cầu cho nghề thiết kế nội thất vẫn khá cao. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhân lực ngành thiết kế nội thất thừa nhân lực chất lượng thấp - trung bình nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao.

II . Bạn cần làm những gì khi tiến tới một dự án thiết kế.

1. Khảo sát hiện trạng:
     Trang trí nội thất là phần tiếp nối của kiến trúc công trình. Bởi vậy, việc đo đạc, khảo sát hiện trạng kiến trúc là phần không thể thiếu trong bước khởi động công việc của bạn. Ngay cả công trình mới xây và có bản vẽ thiết kế từ kiến trúc sư công trình, công việc khảo sát đo đạc hiện trạng cũng vẫn rất cần thiết, vì có thể đã có một số thay đổi trong quá trình thi công. 
nhung-ieu-can-biet-ve-nganh-thiet-ke

Người xưa có câu “Mắt thấy tai nghe”, nếu công trình không được bạn tiến hành khảo sát, kiểm tra đầy đủ, thiết kế nội thất của bạn sẽ thiếu chính xác và không đạt hiệu quả như mong muốn.
2. Nghiên cứu nhu cầu và đặc điểm của đối tượng sử dụng:
    Tầm quan trọng của việc này hẳn bạn đã nhận ra. Chắc chắn không thể có một thiết kế nội thất tốt nếu nhà thiết kế không hiểu rõ những đặc điểm về nhu cầu, tính cách cũng như sở thích của người sử dụng nó.
Một phòng ngủ cho người lớn, từ kích thước trang thiết bị, màu sắc cho đến phong cách…. phải khác phòng ngủ trẻ em. Và không gian nội thất để cho một em trai hiếu động cũng phải khác một em gái nhẹ nhàng.
Đặc biệt, khi trang trí nội thất cho một nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm v.v…, đối tượng sử dụng mà bạn nghiên cứu không chỉ là người đặt hàng bạn mà còn là những khách hàng tương lai của nơi đó – những người mà bạn không thể gặp gỡ hay trực tiếp hỏi han.

Lúc này, hiểu biết về xã hội, tâm lý, óc phán đoán của người thiết kế trở thành yếu tố quan trọng quyết định thành công của thiết kế. Tất nhiên, bạn sẽ không thể làm việc này hoàn toàn một mình mà có sự hỗ trợ đáng kể từ phía khách hàng. Chính họ sẽ tư vấn cho bạn đối tượng khách mà họ muốn hướng tới là ai, có đặc điểm gì, họ muốn phong cách cửa hàng như thế nào v.v…
3. Thiết kế công năng sử dụng:
Nội thất không chỉ để nhìn ngắm, mà trước hết phải tiện lợi cho việc sử dụng. Trước khi đi vào tìm ý tưởng hay phong cách thẫm mỹ, nhà thiết kế phải bố trí trang thiết bị công năng (bàn, ghế, giường, tủ…) trên mặt bằng.
Thường thì kiến trúc sư công trình, trong giai đoạn sơ phác, cũng đã vạch ra một số phương hướng thông qua mặt bằng bố trí bàn ghế. Tuy nhiên, đó chỉ là những gợi ý và nhà thiết kế nội thất vẫn là người chủ đạo trong công việc bố trí trang thiết bị này.

4.Tìm phong cách chủ đạo:
    Phong cách thiết kế là nhân tố chính tác động đến cảm nhận thẫm mỹ của mọi người khi bước vào không gian nội thất.
Bạn muốn mọi người sẽ cảm nhận một không gian sang trọng, hoành tráng, hay bạn muốn một cảm nhận nhẹ nhàng, trẻ trung…? Phong cách mà bạn chọn ở giai đoạn này sẽ quyết định điều đó. Đôi khi các nhà thiết kế không cần tìm ý tưởng chủ đề của riêng mình, mà đưa ra các phong cách tiêu biểu như cổ điển, hiện đại v.v..
Đi theo một trong số những khuynh hướng này, bạn đã có sẵn một số gợi ý về mặt chi tiết, màu sắc…. Từ dó, dựa vào tư duy sáng tạo của mình, bạn sẽ điều chỉnh, phối kết hợp các yếu tố đó lại để đạt được yêu cầu sử dụng.
Một yếu tố quan trọng trong việc tìm phong cách là phong cách nội thất của bạn không thể mâu thuẫn với phong cách mà kiến trúc sư đã gửi gắm vào công trình. Một công trình có cấu trúc thanh thoát, đơn giản và hiện đại không nên có không gian nội thất đầy gờ chỉ, vòm cuốn rườm rà.
5.Thiết kế màu sắc, vật liệu:
     Ở giai đoạn này, nhà thiết kế dựa vào ý tưởng chủ đạo và phong cách nội thất, từ đó lựa chọn màu sắc chủ đạo, vật liệu hoàn thiện, ốp lác cho các thành phần cố định. Các kiến thức về bố cục tạo hình, về thẩm mỹ, phối màu sẽ phát huy tác dụng ở giai đoạn này.
nhung-ieu-can-biet-ve-nganh-thiet-ke

Ngoài ra nhà thiết kế phải thông hiểu nhiều chủng loại vật liệu hoàn thiện như sơn, veni, vải bọc, gạch ốp… Bạn phải am tường từ tính năng sử dụng cho đến kỹ thuật thi công lắp đặt và cả giá thành, để chọn lựa vật liệu phù hợp với phong cách và có giá tương ứng với “ngân sách” cho phép của công trình.
Các công ty thiết kế nội thất thường tổ chức một thư viện vật liệu, được tập hợp và cập nhận thường xuyên từ các nhà cung cấp khiến mảng việc này của nhà thiết kế nội thất có phần dễ dàng hơn.
6.Thiết kế, lựa chọn trang thiết bị:
     Công việc thiết kế và bố trí bàn, ghế, tủ… không chỉ phục vụ cho công năng sử dụng mà còn là yếu tố quan trọng để tạo ra phong cách kiến trúc. Bạn có thể lựa chọn các mẫu bàn ghế từ catalog có sẵn do các nhà sản xuất cung cấp nếu phù hợp. Tuy nhiên, đối với một thiết kế nội thất cao cấp, khó có thể tìm được đầy đủ các loại bàn ghế trên thị trường vừa “hợp gu” nhau và hoài hòa với ý đồ trang trí của bạn.
 Vì thế nhà thiết kế nội thất có khi phải kiêm luôn vai trò thiết kế bàn ghế. Các công ty thiết kế nội thất chuyên nghiệp thường có một bộ phận thiết kế bàn ghế, kết hợp với các xưởng sản xuất để đưa vào công trình các sản phẩm thống nhất về phong cách thẩm mỹ và ý đồ thiết kế.
7.Giám sát thi công:
    Cũng như kiến trúc sư thiết kế công trình, người thiết kế nội thất cũng phải theo dõi quá trình thi công một cách thường xuyên.
Giới kiến trúc sư công trình thường nói đùa “dân thiết kế nội thất ngồi mát ăn bát vàng”, vì quá trình giám sát thi công luôn diễn ra khi công trình đã hoàn thành cơ bản, ở trong không gian được che chắn, không phải dầm mưa giãi nắng, lội bùn sình như giám sát công trình xây dựng ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, việc giám sát nội thất cũng không đơn giản. Bạn phải chọn lựa, kiểm tra hàng trăm loại vật liệu hoàn thiện để đảm bảo chúng đạt tiêu chuẩn thiết kế và phối hợp hài hóa với nhau. Bạn cũng cần phải giám sát kỹ thuật thi công để đảm bảo các chi tiết trang trí được thực hiện đúng với ý đồ thiết kế của mình. 




SHARE

About Liên ơi!

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.